Series Hướng Dẫn Lập Trình Ruby on Rails (Phần 2)

Ở phần 1 mình đã hướng dẫn các bạn cách cài đặt Ruby on Rails trên Ubuntu và chạy thử project hello_world đầu tiên.
Phần 2 này mình sẽ đi vào giới thiệu cấu trúc các thư mục của Rails Nào chúng ta cùng bắt đầu tìm hiểu nhé :v.

Cấu trúc các thư mục của một project Ruby on Rails

Ruby on Rails là một framework được xây dựng để hỗ trợ việc xây dựng các ứng dụng web một cách nhanh chóng, đơn giản nhất và cũng giống với hầu hết các framework khác hiện nay Rails được xây dựng dựa trên mô hình phát triển phần mềm MVC – nếu bạn nào chưa biết về mô hình MVC trong phát triển web mình nghĩ nên tìm hiễu kĩ về mô hình này vì hiện nay đây là mô phát triển phần mềm được ứng dụng rộng rãi nhất – vì vậy cấu trúc thư mục của Rails cũng được phân chia thành các phần Model-View-Controller rất rõ ràng đễ hỗ trợ tối đa cho các lập trình viên.

Sau khi các bạn dùng lệnh rails new hello_world để tạo project rails hello_world như ở phần 1 mình đã hướng dẫn. Mở thư mục hello_world này bằng Sublime Text ta sẽ thấy cấu trúc thư mục của Rails như bên dưới

Screenshot from 2016-11-27 21:32:47.png

p=. ~_Cấu trúc thư mục của project Rails_~

Ta sẽ tìm hiểu lần lượt các thư mục trong project Rails để hiểu rõ hơn chức năng và vai trò của nó nhé

Thư mục app

Đây là thư mục quan trọng nhất của project vì đây là nơi chứa phần lớn source code của ứng dụng, cũng là nơi mà bạn sẽ thao tác nhiều nhất trong quá trình phát triển ứng dụng Rails.

Thư mục này chứa các thư mục con :

assets : chứa các file ảnh, css, javascripts đây là những file được tạo ra bởi developer.
Còn các thư viện css, javascript bên thứ 3 cung cấp như bootstrap, jquery, … sẽ được lưu trữ ở thư mục Vendor phía bên dưới. Ngoài ra các bạn cũng có thể sử dụng các thư viện css, javascripts thông qua các gem mà Ruby cung cấp, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ ở phần này khi đến phần Gemfile.

controllers : chứa các tập tin controller làm nhiệm vụ điều hướng các luồng chạy của ứng dụng. Các file controller bản chất là các file ruby nên có phần mở rộng .rb

models: là nơi chứa các đối tượng chính trong ứng dụng Rails, các model khi được tạo ra từ câu lệnh

rails generate model <tên model>

Mặc định sẽ được kế thừa từ lớp ApplicationRecord < ActiveRecord::Base trong rails lớp ActiveRecord đóng vai trò trung gian để kết nối ứng dụng Rails với Database do đó các tập tin model còn đóng vai trò kết nối với Database để lưu trữ và truy vấn dữ liệu.

Các file model bản chất là các file ruby nên có phần mở rộng .rb

views: chứa các tập tin views được sử dụng bởi controller để hiển thị nội dung web cho người dùng.

Các tập tin views khi được sinh ra mặc định sẽ có phần mở rộng là .html.erb

helpers: các tập tin helpers chứa các hàm(hoặc các lớp) hỗ trợ được sử dụng bởi controller, views, models.

mailers: chứa các tập tin liên quan đến việc gửi mails của ứng dụng.

Thư mục bin

Thư mục này bao gồm các đoạn mã script dùng để khởi động ứng dụng rails hoặc dùng để thiết lập deloy ứng dụng

Thư mục config

Thư mục này chứa các tập tin liên quan đến việc cấu hình của ứng dụng Rails.

Tập tin database.yml là tập tin dùng để cấu hình kết nối tới database của ứng dụng rails. Ở đây sẽ khai báo hệ quản trị csdl nào sẽ được sẽ dụng (SQL Server, My SQL, SQLite, Oracle,…)và các thông số cần thiết để truy cập (username, password, database name).

Tập tin routes.rb đây là tập tin mà chúng ta cần lưu ý nhất trong thư mục này vì sau này các bạn sẽ làm việc với nó khá nhiều.
Tập tin này là nơi để khai báo các đường dẫn đến các file controller/action khi bạn gọi request ở phía client.

Chi tiết về việc khai báo hay sử dụng file này mình sẽ hướng dẫn kĩ hơn ở phần sau, khi chúng ta bắt tay vào thực hành xây dựng một ứng dụng “Login” đơn giản.

Ngoài ra thư mục này còn chứa các thư mục con khác :

environments là nơi chứa các tập tin cấu hình cho từng môi trường phát triển developement, production hay test,…

initializers là nơi chứa các tập tin cho việc khởi tạo ban đầu của ứng dụng hay của các gem,…

locales là nơi chứa các tập tin phục vụ cho việc hiển thị đa ngôn ngữ của ứng dụng (I18n)

Thư mục db

Thư mục này chứa các tập tin migrations dùng để tạo cấu trúc schema cho database.

Tập tin seeds là nơi để nhà phát triển viết các đoạn mã script để cập nhật dữ liệu cho database.

Để gọi thực thi file này ta thực hiện lệnh

rake db:seed

Thư mục lib

Bao gồm các thư viện được dùng trong ứng dụng. Thông thường các thư viện này được viết bởi chính những lập trình viên tham gia vào viết ứng dụng. Các thư viện của bên thứ 3 thường không được đặt ở trong thư mục này mà được đặt ở thư mục Vendor

Thư mục này còn chức thư mục con là tasks đây là thư mục dùng để chứa các rake task trong ứng dụng rails

Thư mục log

Chứa các bản ghi log các thông tin trong quá trình cài đặt, khởi động, chạy hay ngừng ứng dụng.

Thư mục public

Nội dung của các tập tin đặt trong thư mục này sẽ có thể được tải trực tiếp về trình duyệt. Như các file hình ảnh, âm thanh,…

Thư mục test

Thư mục này chức các tập tin và thư mục con phục vụ cho việc test ứng dụng : testcase, unit test, intergration test,…

Tập tin GemfileGemfile.lock

Gemfile là một trong những tập tin quan trọng nhất trong Rails mà chúng ta làm việc thường xuyên nhất.

Rails là một framework được xây dựng với mục đích hỗ trợ nhà phát triển xây dựng ứng dụng web nhanh nhất do đó việc tích hợp các thư viện hỗ trợ là một trong những chức năng đặc trưng của Rails.

Các thư viện hỗ trợ được tích hợp vào ứng dụng Rails thông qua các gem, các bạn có thể tìm hiểu thêm về Ruby gem ở đây https://rubygems.org/

Chỉ cần khai báo tên gem vào trong tập tin Gemfile như bên dưới

gem 'sqlite3'

Sau đó chạy lệnh

bundle install

Là gem đó đã được tích hợp vào ứng dụng Rails.

Tập tin Rakefile

Tập tin Rakefile được Rails sử dụng để tìm kiếm các tác vụ mà chúng có thể được thực thi trên cửa sổ dòng lệnh thông qua rake. Bạn không nên định nghĩa trực tiếp các tác vụ này trong Rakefile mà việc định nghĩa các tác vụ này được thực hiện thông qua các tập tin trong thư mục lib/tasks.

Phần 2 này mình đã giới thiệu và giải thích rõ cho các bạn về cấu trúc và chức năng của các thư mục trong một ứng dụng Rails.

Việc hiểu rõ các thư mục và chức năng của chúng sẽ giúp các bạn chủ động hơn trong việc phát triển ứng dụng Rails sau này.

Phần tiếp theo của series này mình sẽ hướng dẫn các bạn về cách hoạt động của Rails framework thông qua bài thực hành tạo một trang Login đơn giản với Rails.

Bài viết được mình tổng hợp từ kiến thức bản thân và nhiều nguồn khác nhau nên nếu còn chỗ nào chưa được chính xác hoặc cần bổ sung thêm mong các bạn góp ý để bài viết được thêm hoàn chỉnh, mình xin cám ơn.

Bài viết liên quan

Series Hướng Dẫn Lập Trình Ruby on Rails (Phần 9) Hướng dẫn xây dựng ứng dụng API đơn giản với gem doorkeeper

Chào các bạn, Giới thiệu Hôm nay mình sẽ tiếp tục Series Hướng Dẫn Lập...

Series Hướng Dẫn Lập Trình Ruby on Rails (Phần 8) – Các kỹ thuật trong Rails bạn nên biết(3)

Chào các bạn, Hôm nay mình sẽ tiếp tục Series Hướng Dẫn Lập Trình Ruby...

Series Hướng Dẫn Lập Trình Ruby on Rails (Phần 8) – Các kỹ thuật trong Rails bạn nên biết(2)

Chào các bạn, Hôm nay mình sẽ tiếp tục Series Hướng Dẫn Lập Trình Ruby...

Series Hướng Dẫn Lập Trình Ruby on Rails (Phần 8) – Các kỹ thuật trong Rails bạn nên biết

Chào các bạn, Dạo này công việc hơi bận rộn nên Series Hướng Dẫn Lập...

Series Hướng Dẫn Lập Trình Ruby on Rails (Phần 7) – Deploy App On Heroku

Xin chào các bạn, Hôm nay mình sẽ tiếp tục hướng dẫn các bạn Series...

Series Hướng Dẫn Lập Trình Ruby on Rails (Phần 6)

Chào các bạn, hôm nay mình sẽ tiếp tục phần 6 của Series Hướng dẫn...

Trả lời